Con người cần giấc ngủ. Đó là một điều không ai có thể phủ nhận. Khoa học đã đồng ý rằng giấc ngủ cho phép cơ thể điều chỉnh các rối loạn, tế bào tăng sản xuất nhiều loại protein giúp tế bào tăng trưởng và lọa bỏ stress. Do đó, mất ngủ sẽ khởi phát nhiều rối loạn bất thường gây nên mệt mỏi, béo phì, tăng huyết áp…, và đặc biệt là suy giảm trí nhớ.
- [Bác sĩ tư vấn] Bệnh suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi
- Dấu hiệu và triệu chứng suy giảm trí nhớ
- Chứng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi
Mất ngủ ảnh hưởng lên nhận thức và hành vi con người. Theo nghiên cứu của Coren S năm 1998 đăng trên tạp chí Psychiatric Times, mất ngủ một đêm chỉ gây khó chịu nhẹ và giảm nhẹ độ chính xác các hoạt động, đêm thứ hai sẽ gây mệt mỏi, đêm thứ ba sẽ làm kém tập trung và tính toán sai lầm, đêm thứ tư sẽ gây ảo giác hoang tưởng và sợ hãi.
Nguyên nhân mất ngủ và giảm trí nhớ
Mất ngủ do rối loạn nhịp sinh lý
Giấc ngủ chúng ta rất phức tạp, nhưng có thể nói có hai cơ chế chính để tạo sự ổn định. Đó là sự hằng định nội môi và nhịp sinh học giấc ngủ. Khi một hoặc cả hai cơ chế này rối loạn, chúng ta sẽ bijmaast ngủ. Ví dụ, chúng ta thường mất ngủ do stress, đau nhức, suy yếu các cơ quan… hoặc do thay đổi giờ đi ngủ (do thức quá khuya, do đi du lịch lệch múi giờ). Khi đó, ngoài việc mất ngủ ra, chức năng trí nhớ và nhận thức cũng bị ảnh hưởng theo và gây ra chứng giảm trí nhớ khi mất ngủ kéo dài. Đối với nhóm nguyên nhân này, điều trị bệnh lý rối loạn cơ thể, điều chỉnh giờ giấc ngủ và điều trị mất ngủ sẽ giúp cải thiện giấc ngủ và trí nhớ.
Mất ngủ do rối loạn tâm thần
Mất ngủ và giảm trí nhớ có thể là biểu hiện của bệnh lý rối loạn hành vi tâm thần, đặc biệt là chứng trầm cảm. Trong trường hợp này, người bệnh thường rất lo âu, lo sợ, cảm thấy mất động lực sống, cảm giác có tội, chán ăn, không tập trung suy nghĩ và không làm việc gì được cả. Ngoài ra, nếu người bệnh kể về việc học nghe thấy, nhìn thấy hoặc kể một câu chuyện không có thật thì có khả năng họ bị chứng hoang tưởng. Đối với nhóm nguyên nhân này, tham vấn bác sĩ tâm thần để được chẩn đoán và điều trị tận gốc.
Mất ngủ do bệnh lý thoái hóa thần kinh
Rối loạn giấc ngủ cũng là biểu hiện của nhóm bệnh lý thoái hóa thần kinh như bệnh mất trí nhớ Alzheimer, thoái hóa thể Lewy… Người bệnh có thể có rối loạn giấc ngủ trước khi bệnh rất lâu ( như trường hợp rối loạn giấc ngủ trong bệnh Parkinson) dưới dạng ngủ nói mớ, lăn lộn trên giường ngủ, hoặc xảy ra khi bệnh mất trí nhớ đã diễn tiến được vài năm (như bệnh Parkinson). Để cải thiện trí nhớ và giấc ngủ cho nhóm bệnh này, cần phải được các chuyên gia chẩn đoán sớm, điều trị sớm bằng nhiều phương pháp đặc trị.
Giảm trí nhớ liên quan thuốc điều trị mất ngủ
Để giải quyết việc mất ngủ, xu hướng chung sẽ được điều trị bằng thuốc gây ngủ, đây cũng là nhóm thuốc ức chế một phần chức năng nhận thức và ảnh hưởng đến trí nhớ. Do dó, bài toán khó là làm sao ngủ được và không ảnh hưởng trí nhớ. Hiện nay, điều trị mất ngủ yêu cầu việc sử dụng thuốc gây ngủ ngắn ngày, phối hợp thêm việc tập luyện thể dục thể thao và các liệu pháp kích thích giấc ngủ.
Làm gì để khắc phục chứng mất ngủ ?
Để cải thiện trí nhớ trên người bị rối loạn giấc ngủ, cần phải tiến hành những bước như sau:
- Chẩn đoán đúng nguyên nhân gây mất ngủ và nguyên nhân gây giảm trí nhớ để được điều trị đặc hiệu.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định bác sĩ.
- Tập luyện thể dục thường xuyên để có giấc ngủ khỏe mạnh và chống stress.
- Không được để mất ngủ kéo dài hơn một đêm mà không được tư vấn điều trị.