Home Bệnh về hệ thần kinh HỘI CHỨNG TIỀN ĐÌNH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ XUNG QUANH

HỘI CHỨNG TIỀN ĐÌNH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ XUNG QUANH

291

Hội chứng tiền đình không phải là bệnh lý cụ thể mà là tập hợp các biểu hiện do nhiều bệnh lý khác nhau gây ra. Mặc dù hội chứng này không có nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh, tuy nhiên chất lượng cuộc sống của người bệnh luôn bị suy giảm. Việc nhận biết đúng nguyên nhân, triệu chứng sẽ giúp người bệnh tránh hoang mang và có cách điều trị đúng đắn.

1. Hội chứng tiền đình là gì?

Hệ thống tiền đình thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai (hai bên), bao gồm các bộ phận của tai trong, dây thần kinh sọ số VIII và não bộ xử lý thông tin cảm giác liên quan đến việc duy trì tư thế, dáng bộ, kiểm soát sự cân bằng và chuyển động của mắt và cơ thể. Bất kỳ bệnh lý hay chấn thương làm tổn thương các bộ phận nêu trên đều gây ra hội chứng tiền đình. Bên cạnh đó, rối loạn tiền đình cũng có thể xuất hiện hoặc trở nên tồi tệ hơn do yếu tố di truyền, môi trường hay đôi khi xảy ra mà không rõ nguyên nhân.

Các chẩn đoán về tình trạng rối loạn tiền đình phổ biến nhất gồm viêm dây thần kinh tiền đình, viêm mê đạo, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, bệnh Meniere (bệnh lý rối loạn thính lực), bệnh thủy đậu thứ phát. Ngoài ra, những tổn thương trong não, ảnh hưởng đến nhân tiền đình cũng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng mất thăng bằng cho người bệnh.

2. Phân loại hội chứng tiền đình như thế nào?

Hội chứng tiền đình được chia thành hội chứng tiền đình trung ương và hội chứng tiền đình ngoại vi. Việc phân chia này tùy thuộc vào vị trí rối loạn chức năng của con đường phản xạ tiền đình. Tuy nhiên, điều này cũng không thể loại trừ được nguyên nhân gây ra hội chứng này là bởi các yếu tố tâm lý.

2.1. Hội chứng tiền đình ngoại vi

Đây là loại hội chứng rất thường gặp, chiếm hơn 90% người mắc hội chứng tiền đình. Bệnh xuất hiện khi có tổn thương ở khu vực tai trong, bao gồm ốc tai, các kênh bán nguyệt và dây thần kinh tiền đình.

Chẩn đoán phổ biến nhất là chứng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, chiếm 32% trong tất cả các bệnh lý thuộc hội chứng tiền đình ngoại vi. Các nguyên khác gồm bệnh Meniere, chóng mặt do thị giác, viêm mê đạo, hội chứng hở ống bán khuyên trên. Ngoài ra, bất kỳ tác nhân gây viêm nào như cúm, cảm lạnh thông thường, nhiễm trùng do vi khuẩn có ảnh hưởng đến tai trong, sử dụng thuốc thuộc nhóm kháng sinh aminosid, thuốc lợi tiểu như furosemid acid ethacrynic liều cao hoặc chấn thương thực thể như gãy xương sọ gây ra tình trạng chóng mặt bởi chuyển động cũng được xếp vào loại hội chứng này.

Những người bị chóng mặt ngoại biên thường có biểu hiện mất cân bằng, chóng mặt dữ dội và kéo dài, buồn nôn, ói mửa, giảm thính lực, ù tai, đầy tai, điếc đặc, da tái xanh, vã mồ hôi, giảm nhịp tim. Tuy nhiên hội chứng tiền đình ngoại vi do tổn thương hệ tiền đình ngoại biên thường có xu hướng cải thiện trong một khoảng thời gian ngắn, từ vài ngày đến vài tuần.

đặc điểm của hội chứng tiền đình

2.2. Hội chứng tiền đình trung ương

Hội chứng tiền đình trung ương phát sinh khi tổn thương các đường dẫn truyền tiền đình đi tới nhân tiền đình tại thân não. Tổn thương tiền điền trung ương thường ít gây ảo giác chuyển động hay buồn nôn hơn so với chóng mặt có nguồn gốc ngoại vi.

Một số tình trạng tại hệ thống thần kinh trung ương có thể dẫn đến hội chứng tiền đình trung ương như khối u xuất hiện ở tiểu não, nhồi máu hoặc xuất huyết, các rối loạn đốt sống cổ như thoái hóa đốt sống cổ, hội chứng cột tủy bên, dị tật Chiari, bệnh Parkinson, đa xơ cứng cũng như các rối loạn chức năng não nói chung.

Khác với tiền đình ngoại vi, tiền đình trung ương thường không có cảm giác buồn nôn, không có sự thay đổi về thính lực, không xuất hiện triệu chứng mệt mỏi nhưng có thể có những khuyết khiếm về thần kinh đi kèm như nói chậm, nhìn đôi, đặc biệt là chứng rung giật nhãn cầu bệnh lý. Hội chứng tiền đình trung ương thường kéo dài hàng tháng, ít cải thiện do các tổn thương thực thể tại não và ít có khả năng bù trừ.

3. Các triệu chứng của hội chứng tiền đình

Hệ thống tiền đình kiểm soát sự cân bằng của cơ thể và sự chuyển động của mắt, vì vậy khi hệ thống này bị tổn thương, lão hóa hoặc chấn thương, hội chứng tiền đình có thể xảy ra với các triệu chứng phổ biến như:

-Chóng mặt: Đây là triệu chứng hay gặp nhất của hội chứng này. Người bệnh có cảm giác các đồ vật xung quanh họ quay tròn, thậm chí quay rất mạnh, đặc biệt khó chịu. Kèm theo đó là các rối loạn thần kinh thực vật như buồn nôn, vã mồ hôi, cảm giác sợ ngã…

-Rối loạn thăng bằng: Người bệnh thường gặp rối loạn thăng bằng nặng trong giai đoạn đầu của hội chứng tiền đình ngoại vi. Rối loạn thăng bằng nhẹ hoặc vừa xuất hiện với các triệu chứng như đứng không vững, có xu hướng ngã về một phía, bước đi loạng choạng…

-Khi thăm khám có thể phát hiện dấu hiệu rung giật nhãn cầu (nystagmus): Rung giật nhãn cầu là một chuyển động bất thường của mắt. Rung giật nhãn cầu do hội chứng tiền đình thường đánh theo nhịp gồm sự nối tiếp nhau giữa hai pha: Pha chậm đưa nhãn cầu sang một phía (do tác động của hệ tiền đình), pha nhanh đưa nhãn cầu theo chiều ngược lại, đưa mắt về vị trí nghỉ ngơi (do tác động của chất lưới cầu não).

-Ngoài ra, tùy theo vị trí tổn thương, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn mửa, ù tai, giảm thính lực, điếc, rối loạn nuốt, nhức đầu, nói lắp, thay đổi tâm lý, khó tập trung và chú ý, dễ bị phân tâm, dễ quên hoặc mất trí nhớ ngắn hạn…

hội chứng tiền đình là gì

4. Cách chẩn đoán hội chứng tiền đình như thế nào?

Đề chẩn đoán bệnh, ngoài các triệu chứng lâm sàng cần kết hợp với một số xét nghiệm và các bài kiểm tra khác như:

-Bài kiểm tra chức năng tiền đình như cử động bản năng của nhãn cầu khi có các kích thích tại ốc tai; xu hướng quay đầu, dáng đi, tư thế, điệu bộ, khả năng giữ cân bằng của cơ thể…

-Đo thính lực: Một trong những triệu chứng thường gặp của hội chứng tiền đình ngoại biên là mất thính giác, ù tai, nghe thấy tiếng ồn trong tai. Do đó, việc đo thính lực cũng là một phần trong thăm khám tiền đình.

-Các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm chức năng gan, chức năng thận, xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường, rối loạn lipid máu…

-Chụp X-quang cột sống cổ.

-Siêu âm Doppler động mạch cảnh, đốt sống để xác định các mảng xơ vữa, bóc tách động mạch gây hẹp mạch, tắc mạch…

-Chụp CLVT sọ não, CHT sọ não tìm các tổn thương như u góc cầu tiểu não, áp xe não…

-Ghi biểu đồ điện rung giật nhãn cầu.

-Nghiệm pháp quay để khảo sát chức năng tiền đình hai bên ở những bệnh nhân bị điếc hoàn toàn.

bị hội chứng tiền đình

5. Hội chứng tiền đình được điều trị bằng cách nào?

Việc điều trị hội chứng tiền đình phụ thuộc vào các triệu chứng, tiền sử bệnh và sức khỏe tổng quát nói chung. Bệnh thường được điều trị bằng các phương thức sau:

-Điều chỉnh tư thế: Sử dụng các bài tập đầu, mắt và cơ thể để điều chỉnh não bộ trong việc nhận biết và xử lý tín hiệu từ hệ thống tiền đình và phối hợp chúng với thông tin từ thị giác cùng cảm giác sâu.

-Tái định vị sỏi ốc tai: Phương thức chuyên biệt này dùng để điều trị chứng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Kỹ thuật này sử dụng lực hấp dẫn để kéo sỏi tai từ sống bán khuyên sau ra tiền đình – nơi sỏi tai được hấp thu.

-Thay đổi lối sống: Việc sửa đổi chế độ ăn uống là cách hữu ích để kiểm soát chứng chóng mặt, chứng đau nửa đầu, bệnh Meniere. Người bệnh nên hạn chế ăn nhiều muối, uống cà phê, rượu, hút thuốc, bột ngọt…

-Phẫu thuật: Với hội chứng tiền đình ngoại biên, phương thức này nhằm điều chỉnh hoặc phá hủy để ổn định chức năng của tai trong hoặc ngăn chặn việc dẫn truyền cảm giác từ tai trong đến não. Ngược lại, với hội chứng tiền đình trung ương, việc phẫu thuật có thể gặp hạn chế do tổn thương thực thể trong nhu mô não.

-Sử dụng thuốc: Các loại thuốc sử dụng điều trị bệnh gồm thuốc chống viêm, thuốc an thần, thuốc tăng tuần hoàn não, thuốc ức chế kênh canxi, thuốc chống nôn… Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc lâu dài sẽ gây ra tình trạng nhờn thuốc hoặc các tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Hiện nay, việc sử dụng thực phẩm chức năng được bào chế từ các loại thảo dược thiên nhiên, an toàn, lành tính và không gây tác dụng phụ cho cơ thể khi sử dụng lâu dài được nhiều người bệnh tin dùng. Khi sử dụng thực phẩm chức năng, người bệnh lưu ý lựa chọn các sản phẩm bao gồm các thành phần như: cao Blueberry, Chondroitin, Ginkgo biloba, Vitamin B2, B6… Trong đó:

-Cao Blueberry được chiết xuất từ quả việt quất giúp cung cấp các dưỡng chất làm ngăn chặn các bệnh tim mạch, giảm nồng độ cholesterol, giảm sự lão hóa của các tế bào, điều chỉnh huyết áp cân bằng và ổn định.

-Ginkgo biloba được chiết xuất từ lá cây bạch quả, có tác dụng trong điều trị các bệnh về máu và các vấn đề trí não, làm tăng chức năng tuần hoàn não, tăng tính chịu đựng của mô não khi thiếu oxy, chống oxy hóa gốc tự do, ổn định màng.

-Tiền vitamin B2, B6… có tác dụng tăng cường chuyển hóa hồng cầu, giảm chứng đau nửa đầu, tăng cường khả năng hấp thụ chất sắt và làm giảm nguy cơ mắc các chứng về chuột rút, đau mỏi cơ bắp và tim mạch.

Có thể thấy, hội chứng tiền đình mặc dù không gây nguy hại, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng lại gây ra các triệu chứng khó chịu, làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, khi có các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt…, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, xác định nguyên nhân cũng như có biện pháp điều trị kịp thời.

Rate this post