Home Bệnh về hệ thần kinh RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH...

RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

377

Rối loạn tiền đình là bệnh lý phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi nhưng xuất hiện nhiều hơn độ tuổi trưởng thành và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Rối loạn tiền đình làm cho người bệnh mất kiểm soát trạng thái và tư thế cân bằng. Vậy rối loạn tiền đình là bệnh gì? Làm sao điều trị bệnh hiệu quả để tránh những ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe và cuộc sống?

1. Rối loạn tiền đình là gì?

Rối loạn tiền đình hay hội chứng tiền đình là bệnh lý gây ra trạng thái mất cân bằng về tư thế làm cho người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo… Bệnh rất hay tái phát, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Hệ thống tiền đình nằm ở phần mê đạo thuộc tai trong, là bộ phận thuộc hệ thần kinh trung ương, tại đây có ba vòng bán khuyên nằm theo ba chiều trong không gian. Hệ thống tiền đình có vai trò quan trọng trong việc giữ thăng bằng, duy trì trạng thái thăng bằng ở các tư thế, trong hoạt động, phối hợp các cử động của mắt, đầu, thân mình, tay chân.

Các tổn thương dây thần kinh số 8, tổn thương não ở khu vực tai trong hoặc tổn thương mạch máu nuôi dưỡng não, có thể làm cho quá trình dẫn truyền và tiếp nhận thông tin tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn. Đây chính là căn nguyên dẫn đến bệnh cảnh rối loạn tiền đình.

2. Sự nguy hiểm của rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình không phải bệnh nan y, bệnh có thể chỉ xuất hiện vài ngày rồi hết nhưng cũng có thể kéo dài, tái phát nhiều lần. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, công việc mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng. Trong cơn bệnh, nếu cố gắng đi lại thì có thể bị ngã, gây chấn thương, hay thậm chí là gãy tay, chân, chấn thương sọ não. Biến chứng nguy hiểm nhất của rối loạn tiền đình là gây đột quỵ do máu lên não kém.

Rất nhiều người thường xuyên phải đi khám bệnh rối loạn tiền đình, cho thấy đây là căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Điều trị và phòng bệnh rối loạn tiền đình là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay.

3. Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình

Những nguyên nhân phổ biến dẫn đến rối loạn tiền đình là:

-Do căng thẳng, mất ngủ, áp lực công việc, nhưng lo toan trong cuộc sống… làm tổn thương hệ thống thần kinh. Khi dây thần kinh số 8 bị tổn thương thì hệ thống tiền đình sẽ nhận được thông tin không chính xác và sẽ hoạt động không đúng dẫn đến rối loạn.

-Do bệnh lý tim mạch như huyết áp thấp, thiếu máu, các bệnh về van tim, suy tim, huyết khối động mạch cảnh… các nguyên nhân này làm giảm lượng máu lên não, giảm tưới máu não, hậu quả là tổn thương tế bào não vùng tiền đình ốc tai hoặc các nhân tiền đình.

-Do bệnh thoái hóa cột sống cổ, chèn ép vào hệ thống mạch sống nền, cũng làm giảm lượng máu cung cấp cho não.

-Các bệnh u não, u dây thần kinh, viêm dây thần kinh, viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm tai xương chũm…có thể gây chèn ép, tổn thương tiền đình ốc tai, tổn thương các nhân tiền đình gây ra bệnh cảnh rối loạn tiền đình.

-Chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não đều có thể dẫn đến rối loạn tiền đình

-Người cao tuổi do sự lão hóa của cơ thể, thoái hóa các tế bào thần kinh trung ương, dẫn đến bị suy giảm chức năng một số cơ quan.

-Người quá béo hoặc quá gầy đều có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình.

-Bị mất máu nhiều, quan hệ tình dục không đều đặn, uống quá nhiều rượu bia, hút thuốc lá, nhiễm độc hoặc sử dụng một số loại thuốc… cũng là nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.

-Thường xuyên sống trong môi trường có quá nhiều tiếng ồn, thời tiết chuyển mùa (nóng – lạnh đột ngột), ít vận động thể lực, hoặc lao động thể lực gắng sức kéo dài…

4. Phân loại bệnh rối loạn tiền đình

Dựa vào vị trí tổn thương của hệ thống tiền đình, rối loạn tiền đình được chia làm 2 loại, đó là rối loạn tiền đình trung ương và rối loạn tiền đình ngoại biên.

-Rối loạn tiền đình trung ương: Vị trí tổn thương tại nhân tiền đình, hoặc tổn thương các đường liên hệ của các nhân tiền đình trong thân não.

-Rối loạn tiền đình ngoại biên: Vị trí tổn thương là tiền đình ốc tai, hoặc dây thần kinh tiền đình.

5. Biểu hiện rối loạn tiền đình

Biểu hiện rối loạn tiền đình nhiều khi rất mơ hồ, không rõ ràng, mức độ nặng, cũng như thời gian mắc đôi khi rất khó xác định.

Một số biểu hiện thường gặp như:

-Mất thăng bằng, đi không vững, cảm giác chóng mặt, mọi vật xung quanh như đang đang quay, đổ xuống hay chuyển động

-Đau đầu, đi dễ ngã, yếu cơ, mệt, ngất xỉu, hay quên, kém tập trung, mờ mắt khi cử động đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, nghe kém…

Ngoài ra, biểu hiện có sự khác biệt khá rõ giữa rối loạn tiền đình trung ương và ngoại biên:

Rối loạn tiền đình trung ương:

-Biểu hiện chóng mặt xảy ra thường xuyên, nhưng mức độ vừa phải hoặc nhẹ

-Có thể tổn thương mắt phối hợp, rung giật nhãn cầu theo chiều dọc, đau đầu, có thể nôn nhưng ít gặp, rất hiếm xảy ra ù tai, nghe kém

-Bệnh tiến triển chậm, lâu khỏi

Rối loạn tiền đình ngoại biên:

-Biểu hiện chóng mặt xảy ra rất mạnh, đột ngột, nhưng ngắt quãng từng đợt

-Không bị tổn thương mắt phối hợp, rung giật nhãn cầu theo chiều ngang, không đau đầu, nôn nhiều và kéo dài, thường gặp ù tai, nghe kém

-Bệnh rất nhanh chóng thoái lui

6. Chẩn đoán rối loạn tiền đình

Chẩn đoán rối loạn tiền đình chủ yếu dựa vào lâm sàng, với các biểu hiện điển hình là mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, ù tai, nghe kém…

Tuy nhiên để chẩn đoán nguyên nhân, bác sĩ thường chỉ định làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, điện não đồ, chụp X quang, chụp CT, chụp cộng hưởng từ, siêu âm Doppler động mạch cảnh, chụp mạch não có cản quang…

7. Điều trị rối loạn tiền đình

Bệnh rối loạn tiền đình hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Trong phác đồ điều trị rối loạn tiền đình, trước tiên là dùng thuốc điều trị triệu chứng, rồi điều trị theo nguyên nhân. Nên nhớ rằng tất cả các loại thuốc đều phải sử dụng theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

7.1. Điều trị chóng mặt rối loạn tiền đình

Điều trị chóng mặt có thể nói là quan trọng nhất, giúp ngăn chặn các biểu hiện khó chịu, ngăn ngừa các nguy cơ chấn thương do chóng mặt có thể gây ra. Hiện có nhiều thuốc điều trị chóng mặt nhưng thông dụng nhất là các nhóm thuốc:

Thuốc tăng tuần hoàn đến bộ phận tiền đình: Thường được sử dụng sau giai đoạn cấp, để điều trị duy trì, sử dụng lâu dài. Nhóm này gồm các thuốc thông dụng như betahistine (Betaserc), almitrine – raubasine (Duxil).

-Thuốc glucocorticoid: Methylprednisolone, chống viêm khi chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình.

Thuốc an thần: Diazepam, lorazepam…, dùng trong mấy ngày đầu bị chóng mặt để giảm lo lắng, giảm kích động (nếu có).

Thuốc ức chế kênh canxi chọn lọc mạch máu não: Nhóm này thông dụng nhất là các thuốc flunarizine (Sibelium), cinnarizin (Stugeron).

7.2. Điều trị nguyên nhân

Song song với việc điều trị triệu chứng, để triều trị triệt để bệnh rối loạn tiền đình thì phải tìm nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân. Chẳng hạn như nguyên nhân do tắc mạch làm giảm lượng máu lên não thì phải điều trị tắc mạch, nguyên nhân do viêm dây não thì điều trị viêm não…vv. Nói chung là khi điều trị được nguyên nhân thì các biểu hiện bệnh rối loạn tiền đình cũng suy giảm.

7.3. Điều trị hỗ trợ

Chủ yếu dùng các thuốc hỗ trợ để điều chỉnh sự suy giảm chức năng tiền đình, gồm các thuốc giúp tăng lưu thông máu, thuốc tăng dẫn truyền xung động thần kinh, chống lão hóa. Nhóm này thường sử dụng các thuốc như piracetam, ginkgo biloba, cao blueberry, các vitamin B1, B6, B12.

8. Dự phòng rối loạn tiền đình

Để dự phòng rối loạn tiền đình, cần chủ động và thường xuyên thực hiện các biện pháp dưới đây:

-Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe thể lực, tăng lưu thông máu, hỗ trợ ổn định tuần hoàn máu não. Có thể tập môn gì cũng được miễn là không có chống chỉ định, tùy theo độ tuổi, sở thích. Ngày tập ít nhất 60 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

-Không nên ngồi quá lâu một chỗ, nên đi lại, vận động mỗi 30 phút hoặc 60 phút/ lần, đặc biệt là với những người có công việc đặc thù ngồi nhiều như học sinh, nhân viên văn phòng

-Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, tránh làm việc căng thẳng, quá sức

-Xây dựng chế độ ăn phù hợp, cung cấp đầy đủ dưỡng chất và năng lượng cho cơ thể, thức ăn nhiều rau xanh, củ quả… hạn chế thức ăn nhanh, đồ chiên rán, uống ít rượu, bia, chất kích thích, bỏ hút thuốc lá (nếu có).

-Không quay đầu, quay cổ đột ngột, đứng lên ngồi xuống hoặc đổi tư thế quá nhanh

-Uống đủ nước theo nhu cầu, hàng ngày uống từ 2 – 2,5 lít nước

-Sử dụng các sản phẩm có tác dụng tăng lưu thông máu và bảo vệ hệ thần kinh, như sản phẩm có chứa fursultiamine (tiền vitamin B1), vitamin B2, B6, ginkgo biloba, cao blueberry. Các thành phần này có tác dụng hỗ trợ điều trị và dự dự phòng bệnh rối loạn tiền định, giảm các triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình (nếu có).

Rate this post