Chóng mặt là triệu chứng rất thường gặp và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Người bệnh đến khám vì triệu chứng chóng mặt nhiều nguyên nhân, nhưng thường thì than phiền chóng mặt có thể là than phiền của hệ thống tiền đình, than phiền do hiện tượng hoa mắt vì huyết áp thấp hoặc là than phiền do mất thăng bằng khi đứng hay đi do hệ thần kinh cảm giác.
Các nguyên nhân tiền đình thường làm bệnh nhân chóng mặt nhiều, bệnh nhân có cảm giác xoay tròn của bản thân hay môi trường xung quanh, buồn nôn, có khi nôn rất nhiều, đổ mồ hôi, mệt mỏi, lo lắng. Trong một số trường hợp rối loạn tiền đình, bệnh nhân có thể có triệu chứng kèm theo như ù tai, điếc tai, tê mặt, tê tay chân, nói khó, mất thăng bằng, liệt mặt, liệt nửa người…
Bệnh nhân với than phiền hoa mắt có thể có triệu chứng nhìn mờ, đôi khi có cảm giác ngất hay ngất thật sự. Biểu hiện này thường gặp khi huyết áp thấp, khi thay đổi huyết áp do thay đổi tư thế cơ thể, do hạ đường huyết, do dùng một số thuốc.
Bệnh nhân với biểu hiện rối loạn thăng bằng sẽ có cảm giác đứng không vững hoặc khi đi dễ ngã. Biểu hiện này thường do rối loạn hệ thần kinh cảm giác sâu. Khi bệnh nhân đúng thẳng với hai bàn chân sát vào nhau và mở mắt thì có thể đứng được bình thường, tuy nhiên, khi nhắm mắt thì sẽ đứng không vững và có thể ngã.
Người bị chóng mặt, đặc biệt là chóng mặt kéo dài thường kèm thêm các triệu chứng lo âu, đôi khi trầm cảm và người bị lo âu, đôi khi trầm cảm thường bị mất ngủ. Một số trường hợp chóng mặt liên quan đến tư thế có thể ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh khi ngủ vì khi xoay đầu sang một bên có thể chóng mặt nhiều, do đó, người bệnh thường không ngủ ngon giấc. Giấc ngủ cũng có tác động trên các triệu chứng chóng măt. Khi chúng ta mất ngủ thì ngày hôm sau, chúng ta có thể có triệu chứng không tập trung, cảm giác mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt.
Người bị mất ngủ mạn tính có thể có triệu chứng lo âu và một số trường hợp bệnh nhân than phiền triệu chứng chóng mặt kéo dài. Trong các trường hợp này, khi điều trị hết chứng mất ngủ thì tình trạng chóng mặt cũng hết theo.
Một số người than phiền chóng mặt sau khi ngủ dậy, thậm chí sau khi ngủ trưa. Các triệu chứng chóng mặt này thường chỉ kéo dài vài phút thì hết. Tuy nhiên, nếu triệu chứng chóng mặt lặp đi lặp lại nhiều lần thì cần tìm nguyên nhân khác, đặc biệt tìm thêm các triệu chứng như mất thăng bằng, ngất. Một số các thuốc gây ngủ cũng có thể làm giảm huyết áp khi đứng, do đó, sau khi ngủ dậy và cảm giác hoa mắt, chóng mặt. Một số trường hợp thiếu máu, khi bệnh nhân ngủ thì hô hấp giảm, huyết áp và nhịp tim giảm, làm lượng oxy trong máu giảm, do đó, khi thức dậy vào buổi sáng, cũng có thể có triệu chứng chóng mặt. Cũng tương tự như vậy, một số trường hợp bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, một số bệnh tim mạch cũng có thể có lượng oxy trong máu thấp khi thức dậy, do đó, bệnh nhân cũng có triệu chứng chóng mặt khi thức.