Home Chuyên gia tư vấn Rối loạn chuyển hóa đường ?

Rối loạn chuyển hóa đường ?

8773

Tôi 51 tuổi phát hiện bị rối loạn chuyển hóa đường từ tháng 12/2012 ( Đã bị bệnh huyết áp cao 18 năm uống thuốc ổn định thường xuyên 14 năm- hiện đang sử dụng thuốc huyết áp là cove rsyl plus 5mg – 1v/ngay huyết áp ổn định khoảng 130/90). từ thời gian đó đến nay tôi chưa dùng thuốc điều trị tiểu đường,mà chỉ điều chỉnh lượng đường trong máu bằng kiểm soát ăn và luyện tập thể thao – hàng ngày tự đo đường huyết, hàng tháng đi BV kiểm tra lượng đường trong máu lúc sáng chưa ăn trong khoảng 5,8 đến 6,5 sau ăn 2giờ từ 6,5 đến 8,7 chỉ số ..A1C của tháng 9 là 6,5. nhưng khoảng 1 tuần nay tôi thường bị tê bì tay chân, không biết có phải biến chứng của bệnh đái tháo đường chưa, nếu đi kiểm tra thì cần KT những chỉ số nào và khám ở đâu là tốt nhất. Xin được tư vấn Trân trọng cảm ơn

vũ Thúy Vân <vuthuyvan_…@yahoo.com.vn>


Chào bạn! Việc điều trị HA như vậy theo tôi là tương đối tốt, cố gắng duy trì HA tối đa dưới 140mmHg và HA tối thiểu dưới 90mmHg.
Kết quả xét nghiệm đường máu và HbA1C như vậy thì bạn chưa bị tiểu đường mà chỉ là rối loạn dung nạp glucose (còn gọi là tiền đái tháo đường). Nói chung cần phải điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập để tránh chuyển thành đái thao đường.

Tê bì chân tay có nhiều nguyên nhân, có thể chia ra tê chân tay sinh lý và tê chân tay bệnh lý.

Tê bì chân tay sinh lý, gặp trong các trường hợp:

– Mạch máu và thần kinh bị chèn ép khiến máu khó lưu thông. Nguyên nhân là do ngồi, đứng, ngủ sai tư thế, lao động nặng, ngồi máy tính liên tục, chạy xe nhiều giờ, đứng ngồi xổm một chỗ với một tư thế quá lâu…

– Ảnh hưởng của thời tiết, những người có sức đề kháng suy giảm thì khi gặp trời lạnh, gây rối loạn cảm giác, tê bì.

– Cũng có thể tê chân tay là kết quả của tác dụng phụ khi dùng một số thuốc.

Tê bì chân tay bệnh lý, gặp trong:

– Do bệnh rối loạn chuyển hóa như: đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, xơ vữa động mạch, béo phì.

– Thiếu sinh tố B1, B12, acid folic, calci, kali…Trường hợp này thường gặp ở người gầy yếu, thể lực suy kém, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em kém ăn.

– Bệnh viêm đa dây thần kinh, viêm đa rễ thần kinh

– Do chèn ép dây thần kinh, gặp trong bệnh như: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, chấn thương cột sống, viêm khớp…

– Nhiễm trùng: nhiễm phong, lao, thương hàn, nhiễm một số vi rút.

– Nhiễm độc: kim loại nặng như chì, thủy ngân, đồng, các hóa chất sử dụng trong công nghiệp

Trường hợp của bạn, nhiều khả năng chỉ là tê bì chân tay sinh lý. Tuy nhiên, tốt nhất nên đi khám chuyên khoa thần kinh xem là bị tê bì do nguyên nhân gì để có biện pháp điều trị sớm và phù hợp.

Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!

Ths.Bs Vũ Văn Lực

3/5 - (1 vote)